5 món ăn dân dã mùa mưa ở Quảng Bình - Khu Vuon Sach

 2021-11-29 18:28:49      343 views

Bánh bột lọc, khoai deo hay chắt chắt bánh tráng là những món dân dã của người Quảng Bình thường làm vào mùa mưa, nay trở thành đặc sản được nhiều du khách yêu thích.

5-mon-an-dan-da-mua-mua-o-quang-binh

Bánh bột lọc

Đến Quảng Bình mà chưa ăn bánh bột lọc là như chưa đến, người Quảng Bình truyền tai nhau như vậy. Mở lớp lá chuối gói bánh, bạn sẽ thấy con tôm sông đỏ trong lớp bột lọc (làm từ bột sắn). Nước chấm của bánh lọc đơn giản là nước mắm thêm vài lát ớt. Ở Đồng Hới, bánh lọc nổi tiếng nhất ở quán Mệ Xuân, một đĩa bánh có giá 20.000 đồng. Ảnh: vivuHanoi.

5-mon-an-dan-da-mua-mua-o-quang-binh-1

Bánh xèo gạo lứt

Món ăn dân dã này lại có cách làm khá cầu kỳ. Gạo lứt được ngâm khoảng 5 tiếng rồi đem xay bằng cối đá, thêm ít muối và một chút lá hành, lá hẹ thái nhỏ vào, quấy đều lên rồi mang đi tráng. Bánh xèo gạo lứt thường được người Quảng Bình làm để ăn vào những ngày mưa, hoặc mời khách, bánh không nhân và ăn kèm rau sống, nước mắm ớt. Ảnh: Má Lúm.

5-mon-an-dan-da-mua-mua-o-quang-binh-2

Bánh canh bột lọc

Tô bánh canh ngon bởi nước lèo ninh từ sườn heo và tôm tươi (loại sống ở đầm) để nước đậm đà mà không bị tanh. Sợi bánh canh được làm từ bột sắn pha bột gạo, xay thành bột và cán mỏng rồi xắt lát, gọi là “con bột”. Khi nước lèo sôi, thả con bột vào và múc ra bát. Bát bánh canh có thêm thịt, tôm, hành, chả cá… và đậm đà, ăn nóng. Ảnh: doisong.vn.

5-mon-an-dan-da-mua-mua-o-quang-binh-3

Chắt chắt bánh tráng

Chắt chắt là một loại hến ở cửa sông. Món này có cách làm và thưởng thức giống với hến bánh tráng của Huế. Đó là thịt chắt chắt xào trên chảo, nêm gia vị, hành phi, rắc thêm chút rau thơm lên trên. Khi ăn dùng bánh tráng để xúc, đơn giản mà ngon miệng. Chắt chắt còn được xào với mít non lá lốt, là những biến tấu của món ăn dân dã này. Ảnh: Tigon.

5-mon-an-dan-da-mua-mua-o-quang-binh-4

Khoai deo

Khoai deo trước đây được người Quảng Bình làm để dự trữ, sử dụng vào mùa mưa lũ, ngày nay được bày bán quanh năm cho khách du lịch. Khoai thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Khoai deo ăn có vị ngọt bùi, bạn có thể ăn ngay hoặc nấu chè. Ảnh: Hải Đăng.

Xem thêm: Bún cá thố và bánh canh cốt dừa miền Tây ở Sài Gòn

Nguồn: vnexpress.net